Tán thủ – sự vận động của võ thuật cổ truyền

11 09 2009
Võ tán thủ được du nhập vào Việt Nam từ sau chiến tranh Thế giới thứ II, và cho đến nay môn võ này đã trở thành môn thể thao luôn giành thứ hạng cao cho đoàn thể thao Việt Nam tại  nhiều kỳ thi quốc tế.tán thủ vốn là môn võ có nguồn gốc từ Trung Hoa với tên gọi là Sanshou, có nghĩa là nghệ thuật chiến đấu tay không tự do. Sau khi du nhập vào Việt Nam, để phù hợp với thể chất cũng như lối đánh của người Việt, tán thủ đã có những thay đổi đáng kể nhờ vào sự kết hợp thêm những miếng đánh hiểm theo lối võ cổ truyền Việt Nam, nhờ đó mà nó đã phát huy được hết khả năng đối kháng cũng như kỹ chiến thuật trong lối công thủ.

Võ sư Trần Đức Khang, một trong số người đã có công đưa môn tán thủ vào Việt Nam cho biết: “Tán thủ là môn võ có hệ thống kỹ thuật chiến đấu thực dụng. Hệ thống này dựa trên những nguyên tắc vật lý, giải phẫu cơ thể học, sinh lý phản xạ học cũng như các chức năng sinh lý của cơ thể người. Vì vậy đòn thế đa dạng với nhiều phương thức chiến đấu hữu hiệu như cầm nã, đô vật… Đặc biệt, tán thủ có lối đánh cận chiến rất hữu hiệu. Bên cạnh đó, ngoài khả năng chiến đấu bằng quyền cước, nhờ kết hợp các miếng đánh theo lối võ cổ truyền của Việt Nam mà người luyện tán thủ đến độ tinh thông còn có thể dùng tay không hoá giải được các đòn tấn công bằng vũ khí lạnh như gươm, đao, giáo, mác… của đối phương”.Có thể nói, tán thủ là môn võ kết hợp giữa kỹ thuật chiến đấu truyền thống và kỹ thuật chiến đấu hiện đại để đạt tới mức độ đơn giản nhất, thực dụng nhất, hiệu quả nhất. Cũng bởi đặc trưng đó, tán thủ Việt Nam phát triển theo hai dòng: tán thủ dân sự và tán thủ thể thao.

Tán thủ dân sự thiên về kỹ thuật đấm, đá, cầm nã, quật, vật, chiến đấu mặt đất, và kỹ thuật chống vũ khí có sử dụng các dụng cụ hỗ trợ… Nói chung là các kỹ thuật có tính chất phù hợp với lối đánh tự do, không tuân thủ theo bất cứ quy tắc nào.

Trong khi đó tán thủ thể thao lại có đường hướng tương tự như môn kichboxing, tức là có thêm các kỹ thuật vật, quật và đánh ngã. Các nguyên tắc vật lý được áp dụng triệt để gia tăng khả năng chiến đấu của các võ sĩ. Mặc dù là môn võ thể thao, các võ sĩ tán thủ khi thi đấu đã được bảo vệ bằng áo giáp, găng, box, mũ đội đầu, key che hạ bộ, pad bảo vệ xương ống chân… nhưng do tính chất mãnh liệt của các đòn thế mà nhiều võ sĩ vẫn rất dễ bị chấn thương trong mỗi lần thượng đài.

Mặc dù được cho là môn võ có sức chiến đấu cao, tuy nhiên trong luật thi đấu hiện đại, tán thủ thể thao vẫn không thể phát huy được hết sức mạnh của mình do có nhiều đòn thế vốn được cho là sở trường như lên gối, đánh chỏ, húc đầu, cầm nã khoá bẻ khớp… đều bị cấm sử dụng vì khả năng sát thương quá lớn.

Chính bởi sự linh hoạt trong các đòn thế và phương pháp đánh cận chiến cho nên tán thủ là môn võ được nhiều người quan tâm luyện tập, nhất là giới trẻ.

Năm 2008, tại Cúp Tán thủ thế giới được tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc), đội tuyển tán thủ Việt Nam góp mặt với 7 võ sỹ và cả 7 võ sỹ này đều giành huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Huy chương vàng đã thuộc về nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Bích (hạng 48kg). Trong năm 2009, tán thủ Việt Nam đang dành nhiều hứa hẹn tại SEA Games 25 và giành suất tham dự Indoor Games 2009. Cho đến nay, tán thủ Việt Nam đã hình thành một thế hệ vận động viên như Phan Quốc Vinh, Nguyễn Thúy Ngân, Ngô Thị Hà, Cung Lê (võ sư Việt tại California),… tên tuổi của họ luôn được vang danh trên đấu trường quốc tế.


Một thế tấn trong bài trường quyền.


Một thế đòn “bắt chân quét trụ” của môn phái.


Đòn đá zích ngang trong môn võ tán thủ.


Rèn luyện thể lực bằng bài chạy việt dã.


Luyện thế đứng trụ trên điểm cao.


Võ sư Trần Đức Khang hướng dẫn những môn sinh tập luyện.


Hành động

Information

Bình luận về bài viết này